TIỀN LẺ

FB

Tiền không tự nhiên mọc ra từ trên cây. Money does not grow on trees. Đồng tiền sinh ra từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của người lao động. 

Biết coi trọng đồng tiền, dù là mệnh giá nhỏ nhất, chính là biết coi trọng công sức của người khác, của chính mình, cũng là coi trọng bản thân mình.

Mẹ tôi, một người Hàng Bạc, Hà Nội cũ dạy tôi cách giữ những đồng tiền xu và giấy bạc một cách cẩn trọng ngay từ bé. Mẹ tôi còn dạy cách gửi tiền, trao nhận tiền thế nào cho đúng. Trao bằng hai tay và nhận cũng bằng hai tay, rồi đừng có quên cám ơn khi nhận lại tiền.

Tôi nhớ lại thời sinh viên kham khổ ở nước ngoài của tôi. Những ngày cuối tuần tôi thường gói những đồng xu lẻ, bốn xu một gói, vừa đủ một giá vé một chuyến xe jeepney- phương tiện giao thông phổ biến trong thành phố cho tôi từ nhà tới học viện. Tôi để ý những người lái xe jeepney lúc nào cũng đáp lại tôi bằng một nụ cười khi nhận gói tiền xu. Họ không bao giờ mở ra đếm lại. Có lẽ sự trân trọng của người gói đã quá đủ để chứng nhận sự lương thiện và tư cách của khách hàng chăng?

Sau này làm chủ một doanh nghiệp, một nhà máy ở Cambodia, tôi vẫn có thói quen xếp cẩn thận những tờ tiền 100 riel, 500 riel (hay mười xu) vào một ngăn ví riêng, hay để ở hộc đựng đồ trên xe ô tô. Những gấp tờ tiền này để tặng lại những người hát rong trên đường phố Phnom Penh, hay những hành khất ở ngã tư chờ đèn đỏ. Tôi luôn nghĩ những món tiền nhỏ ấy còn chưa xứng đáng với những nụ cười cám ơn của họ cho tôi.

Singapore, nơi tôi sinh sống gần hai mươi năm, các siêu thị hay cửa hàng bán lẻ luôn sẵn có những đồng xu nhỏ nhất, một xu hay năm xu, để trả lại tiền thừa cho khách hàng. Hình ảnh này trái ngược với cảnh nhiều trạm xăng hay siêu thị ở các thành phố lớn ở VN, nơi mà người ta dùng viên kẹo cao su hay gói tăm để thay cho năm trăm đồng, một nghìn đồng tiền thiếu. Thậm chí nhiều chỗ, người bán hàng tự ý, thản nhiên bỏ qua vài trăm tiền thiếu, rồi tỏ thái độ khinh khi, đá thúng đụng nia khích bác những khách hàng cương quyết chờ lấy tiền thừa.

Sự việc gần đây ở Đà Nẵng, khi ông kia coi những đồng tiền lẻ là “rác” rồi quăng ném xuống đất như một thứ đồ rẻ rúng, bẩn thỉu, tôi cho rằng một phần là ứng xử của cá nhân, nhưng cũng một phần là từ thói quen xấu của xã hội, không coi trọng đúng mức tiền  lẻ, thiếu một văn hóa tôn trọng sức lao động, dù là nhỏ nhất. 

Thái độ này cần bị lên án ở bất cứ môi trường nào, xã hội nào, chưa nói đến ở một đất nước còn nghèo, chưa tích lũy đủ tư bản để phát  triển bền vững, và có nhiều hoàn cảnh còn khó khăn.

Các con tôi, chúng để ý thói quen của bố mẹ từ bao giờ, rồi cũng cẩn thận xếp những đồng xu lẻ, gói vào những gói giấy nhỏ để tổng thành món tiền chẵn. Những gói nhỏ này dùng để trả tiền cafe cho các uncle hay aunty (cách người Singapore gọi thân mật những ông bà trọng tuổi phục vụ ở quán ăn). Những lúc đó tôi như thấy lại những nụ cười ngày xưa của người lái xe jeepney, dành cho khách hàng, ấm áp.

Rồi đây xã hội sẽ hiện đại hơn, văn minh hơn. Sẽ không còn những đồng xu tiền giấy lẻ. Các nước như Singapore, Canada hay châu Âu đã đặt mục tiêu xã hội không dùng tiền mặt, a cashless society, trong tương lai gần.

Nhưng tôi nghĩ rằng trước khi những đồng tiền xu, giấy lẻ được rút khỏi lưu thông, chúng ta cần có thái độ đúng mức, trân trọng với chúng. Tiền lẻ dù nhỏ đến mấy cũng là công sức lao động của chúng ta, coi trọng chúng cũng là coi trọng lẫn nhau, là thái độ sống đúng đắn trong xã hội.

Ảnh một người dân cẩn trọng xếp những đồng xu, do tôi chụp cách đây mấy tháng.

Leave a comment